THƯ NGỎ CỦA NGUYỄN SĨ ĐẠI GỬI TRẦN MẠNH HẢO VÀ TRƯƠNG DUY NHẤT

NGUYỄN SĨ ĐẠI

Hà Nội, ngày 04/10/2011
Anh Trần Mạnh Hảo,
Có thư này cho anh vì tôi vừa đọc bài“Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Đại bốc thơm Trần Gia Thái” trên website truongduynhat.vn ngày 2/10/2011.
Bỏ qua lối nói xách mé của anh đối với tôi cũng như với nhiều người khác, với báo An ninh thế giới, tôi muốn trao đổi với anh một cách đường hoàng những vấn đề về văn học mà anh đưa ra trong bài viết này. Giữa chúng ta là bạn đọc, và ai cũng cần tôn trọng họ.


1- Phần cuối, phần chốt, đồng thời đưa chapeau, anh viết:
“Những động cơ phi văn học hầu như đang điều hành guồng máy nền văn học quốc doanh. Đấy là một tai họa cho đất nước: văn học chân chính đang bị xua đuổi khỏi đời sống xã hội, nếu còn những người làm thơ như ông Trần Gia Thái và còn người bình thơ như ông Nguyễn Sĩ Đại”.
Tôi không bao giờ nhận mình là nhà phê bình. Yêu thơ, có am hiểu ít nhiều về thơ, tôi vẫn chia sẻ cảm nhận của mình với bạn đọc khi đọc thơ Đường, đọc thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du xưa và các nhà thơ Việt Nam hiện đại như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Cầm, Tế Hanh, Khương Hữu Dụng… Đôi khi, tôi được các nhà thơ đó coi là hiểu được họ.
Tôi cũng đọc và cổ vũ cho các nhà thơ thế hệ chống Mỹ cứu nước, thế hệ Đổi mới. Có người nhận là tri âm, có người không bằng lòng. Tôi coi đấy là sự thường.
Tôi chỉ là một bạn đọc; người viết bình thường; làm sao “xua đuổi” được “nền văn học chân chính”, làm sao làm nên “tai họa cho đất nước”?
Mà chẳng ai làm được điều đó đâu, anh Hảo ạ!
Tôi không biết là anh đang dọa, đang vu cáo hay đang “khen” tôi? Dọa thì tôi chẳng sợ, mà “khen” thì tôi chẳng nhận! Anh đã chọn sai vấn đề, chọn sai đối tượng.
Tôi không phải là nhà phê bình; đúng rồi! Và “thẩm mỹ thơ của ông NSĐ có vấn đề”, tôi cũng đồng ý. Tôi học hành lỗ mỗ, trí lực tầm thường, có lẽ chẳng có gì đáng bàn, làm mất thì giờ bạn đọc.
Nhưng tôi muốn hỏi anh, trong bài viết này, cũng như nhiều phát biểu khác, anh thường phân ra và đối lập giữa hai nền “văn học quốc doanh” và “văn học chân chính” thì tiêu chí “quốc doanh ”, tiêu chí “chân chính” của anh là gì?
Thứ nhất, cái “hệ thống” này nghe không ổn đâu, anh Hảo ạ. Bàn về học thuật, không ai có thể nói nói bừa, nói phứa được.
Thứ hai, ngụ ý anh Hảo là gì? Cái “nền văn học chân chính nước nhà” là gì, anh Hảo chưa nói ra, nhưng có lẽ để anh Hảo lọc kỹ thì chắc chỉ có mình anh và một số “bạn hữu” đâu đó ngoài biên giới mà thôi! Còn cái nền “văn học quốc doanh” theo anh, chắc là những nhà văn tự nguyện chịu sự lãnh đạo của Đảng, tự nguyện phụng sự sự nghiệp của nhân dân theo con đường Đảng đã vạch ra. Thế là rõ. Những cái gì thuộc về quốc doanh, về nhà nước là xấu, là cần phải đánh đổ. Trước hết là “văn học quốc doanh”, sau đó là “kinh tế quốc doanh”, sau đó là thể chế, phải không anh Hảo?
Tuy nhiên, tôi thấy anh chẳng bỏ quyền lợi gì do Nhà nước này, do “quốc doanh” mang lại. Anh đã “ly thân” từ năm 1989, ly khai với Đảng, với lý tưởng; nhưng ánh sáng ngọn đèn anh viết, cũng do sức của người thợ điện, những tiện nghi anh có cũng là thành quả của sự nghiệp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nó được hiểu theo nghĩa đen và đúng tuyệt đối đấy anh Hảo ạ!
Anh chửi Hội Nhà văn nhưng anh có ra khỏi Hội đâu, vẫn lĩnh tiền này nọ, vẫn tự hào về các giải thưởng mà Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng đấy thôi!
2- Anh chê thơ của anh Trần Gia Thái dữ lắm, nhất là bài Nhớ cha, một bài thơ nói về người cha vùng đồng chiêm lam lũ Bình Lục (Hà Nam), cũng như quê anh Nghĩa Hưng (Nam Định), nhưng biết nuôi chí lớn cho con cái và đạo nghĩa cho đời sau. Tôi ủng hộ dòng thơ ấy. Còn anh không thích là tùy anh. Anh “nhại” thơ Trần Gia Thái, chê là cổ; thì thơ anh cũng bốn câu, bảy chữ, ba vần nhiều lắm, cũng có thể nhại được lắm. Tôi nhớ bài thơ Bạch Cư Dị của anh tặng V. C. H cũng toàn từ cổ, vay mượn:
Gió Tư Mã thổi ta lau lách
Mây Giang Châu lặng rách bên trời
Đêm thu lá vàng tiễn khách.
Trường Giang từ âm phủ về chảy tiếng đàn rơi…
Đấy là chưa kể anh còn ví các anh ngang Bạch Cư Dị!
Anh chê thơ anh Trần Gia Thái là “diễn nôm có vần”. Rồi cay nghiệt hơn: “Thưa ông nhà thơ TGT và ông bình thơ NSĐ: Các ông sướng lắm do quen sống giả dối nhiều rồi nên mới thích biến thành người điên để được sống thật phải không? Thưa, người điên là người đã đánh mất lý trí, tức không còn ý thức được mình và cuộc đời. Một người không còn lý trí, không còn ý thức, phỏng có thể biết đâu là chân, là giả mà các ông dám cho cứ điên mới sống thật. Còn 99% dân ta đang sống tỉnh như ngóe trên thiên đường xã hội chủ nghĩa chẳng lẽ toàn sống giả trá hay sao?”
Một lần nữa, tôi xin không nói về mình – về sự giả dối so với ai đó; mà giải thích cho anh Hảo rằng, người điên trong văn học, như Hăm-lét, chẳng hạn, chỉ là hình tượng, phương cách nhà văn thể hiện tư tưởng của mình. Và hình tượng người điên trong văn học cũng khá nhiều; tôi nghĩ anh cũng có đọc, có biết rồi.
Còn cái cách anh nói về đồng bào mình, về xã hội mình là “còn 99% dân ta đang sống tỉnh như ngóe trên thiên đường xã hội chủ nghĩa” thì không còn là cách nói “xách mé” nữa, mà xin lỗi anh, đó là hỗn, một từ lịch sự nhất mà tôi có thể gọi về hiện tượng này.
Anh báng bổ thơ Trần Gia Thái và nhiều người khác, dành cho mình sự cao đạo như thể chỉ mình anh tâm huyết, xây đắp văn học chân chính nước nhà; tôi lại nhớ đến một bài thơ Tự do hay là chết của anh. Theo tôi, bài thơ này chỉ là những mảnh ghép của những triết lý vụn vặt, khẩu ngữ hơn cả cách nói bình thường:
  Nếu có thể đổi đôi mắt
  Để lấy trời xanh?
- Ta chúa ghét mộng mơ
  Nếu mà ngươi mù mắt
  Thì trời kia dù có cũng vu vơ.
- Nếu có thể được
  Tôi xin đổi tiếng hát
  Lấy một thoáng trời cao?
- Nhảm nào
  Nếu mà ngươi không có tiếng hát
  Thì ta nhốt ngươi làm gì?
Thế đấy, anh Hảo ạ. Anh từng có nhiều bài thơ hay được bạn đọc, trong đó có tôi, mến mộ. Nhưng thơ anh bây giờ như thế, hoặc Số phận cho ta làm mặt thớt/ Kể gì thịt cá nát đời nhau/ Sinh ra là để người ta chặt/Ta chỉ ăn toàn những vết dao. Thơ không có chỗ ở trong những trái tim không lương thiện!
(Tôi muốn nói đôi lời với anh Trương Duy Nhất. Tôi thấy website của anh, những bài viết và comment, nó rác quá. Trước khi định cầm chổi quét trời, anh hãy xem lại nhà mình đi đã!)
3 – Phê bình văn học có nhiều chức năng. Trong đó có việc phát hiện và chăm chút những nụ mầm vừa nhú; cổ vũ, động viên khích lệ mọi hoạt động sáng tạo. Đó cũng là một truyền thống tốt đẹp của văn học nước ta. Một thế hệ thơ chống Mỹ, trong đó có anh Trần Mạnh Hảo, đã được cả nước nhiệt tình cổ vũ, mới có cái tên Trần Mạnh Hảo ngày nay, sao bây giờ anh lại hẹp hòi, cay nghiệt với người khác như vậy? Kinh Thánh có câu : Dầu và hương thơm làm phấn khởi lòng người. Tình bạn ngọt ngào giúp tinh thần thêm vững mạnh. Tôi không ân hận, mà vui vì được giới thiệu thơ của bạn tôi, Trần Gia Thái. Từ chuyện thơ, anh lại lèo vào cái chuyện của Đài PTTH Hà Nội. Như thế là không đứng đắn. Nếu anh yêu những người biểu tình yêu nước, thì xin anh cũng ca ngợi cho, và ca ngợi hơn những chiến sĩ Trường Sa; những người đấu tranh thầm lặng để giữ bền quan hệ hữu nghị hợp tác; giữ nền hòa bình cho đất nước. Khi có can qua, tôi tin rằng, không ít người trong đoàn biểu tình ấy, và con cháu họ, đã bay tự bao giờ, ra chiến trường và đổ máu, chỉ con em nông dân mà thôi!
***
Tôi không biết bây giờ anh còn Đức tin nào. Đành mượn Kinh Thánh. Kinh Thánh nói: Đánh sữa sẽ được bơ, bóp mũi sẽ bật máu và chọc giận sẽ sinh chuyện đôi co”. Tôi thường lấy đó làm câu răn mình. Và cũng muốn nhắc anh Trần Mạnh Hảo nhớ đến sáu điều Đức Chúa gớm ghét, bảy điều khiến Người ghê tởm, đó là: Mắt kiêu kỳ; lưỡi điêu ngoa; tay đổ máu người vô tội;lòng mưu tính những chuyện xấu xa; chân mau mắn chạy đi làm điều dữ;kẻ làm chứng gian dối thốt ra lời dối trá; người gieo xung khắc giữa anh em.
NSĐ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét