Vài suy nghĩ về việc sửa đổi Hiến pháp?

                                           (Photo credits Dan Lam Bao and Huynh Thuc Vy)

Huỳnh Thục Vy - Những ngày này, báo chí trong nước, giới thạo tin và những người có quan tâm đến tình hình đất nước đang bàn tán về việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Các đại biểu Quốc hội, nhà báo, luật gia, kinh tế gia… đã hăng hái đưa ra rất nhiều ý kiến đóng góp xung quanh vấn đề thủ tục, nhân sự tham gia cố vấn dự thảo Hiến pháp sửa đổi, những định hướng và nội dung cụ thể cho việc sửa đổi. Mặc dù còn nhiều người hoài nghi về hiệu quả của việc làm này nhưng không ít người đặt những hi vọng nhất định vào nó.


Về luật học, Hiến pháp là đạo luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, đóng vai trò chỉ đạo các luật. Về chính trị, Hiến pháp là một cái khung định hình những nguyên tắc chính trị cơ bản, thiết lập hình thức chính thể, cấu trúc Nhà nước của một quốc gia. Cũng như bất cứ một định chế chính trị xã hội nào, Hiến pháp phải được linh động thay đổi theo thời gian cho thích hợp với các điều kiện cụ thể của quốc gia. Không thể phủ nhận rằng, sau một khoảng thời gian nhất định, tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của một quốc gia sẽ có những thay đổi và việc tu chính một bản Hiến pháp là rất cần thiết để làm cho văn bản mang tính cốt lõi pháp lý và chính trị này phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Nếu không, Hiến pháp lỗi thời sẽ ngăn cản những tiến bộ xã hội.

1/ Thay đổi nhiều nhưng không căn bản

Từ năm 1945 tới nay, Nhà cầm quyền cộng sản đã ban hành bốn bản Hiến Pháp (1946, 1959, 1980 và 1992) và ngay chính bản Hiến pháp 1992 hiện hành cũng đã được bổ sung, sửa đổi một lần mới đây vào năm 2001. Thay đổi là cần thiết, nhưng khi người ta thay đổi quá nhiều lần và khoảng cách giữa hai lần thay đổi quá ngắn khiến chúng ta không thể không suy nghĩ.
Tác giả Huỳnh Thục Vy sinh năm 1985, hiện đang sống tại Quảng Nam
Việc bỏ đi một Hiến pháp cũ để thay bằng một Hiến pháp mới, hay việc tu chính một bản Hiếp pháp hiện hành là một việc hệ trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Việc làm này phải song hành với thiện chí tiến bộ của Nhà cầm quyền, nhận thức và sự đóng góp của người dân trong việc xây dựng Hiến pháp, trình độ lập pháp của Quốc hội, hiện trạng quốc gia… Sự thay đổi, sửa đổi chóng vánh và chắp vá chỉ thể hiện một điều là người ta muốn đối phó tình thế, thiện chí giả tạo và xoa dịu những căng thẳng bề nổi hơn là thực tâm thúc đẩy tiến bộ. Hơn nữa, việc thay đổi tùy tiện đối với một văn bản có tầm quan trọng như thế của những người cộng sản trong bao nhiêu năm qua làm cho ta thấy thái độ coi thường Hiến pháp của họ. Đối với họ, Hiến pháp không phải là bản cam kết, mà chỉ là cái công cụ trong tay, muốn định đoạt thế nào tùy nghi. Và sự thiếu vắng tiếng nói đóng góp của các tầng lớp dân chúng cũng nói lên rất nhiều cái vai trò mờ nhạt, mang tính danh nghĩa của định chế quan trọng này ở Việt Nam.

Chúng ta hãy nhìn vào Hoa Kỳ, từ một quốc gia mới giành độc lập (13 bang với dân số khoảng 2,5 triệu người) đã trở thành một siêu cường kính tế, chính trị, quân sự (50 bang với dân số hơn 308 triệu người) trong khoảng hơn 200 năm chỉ có duy nhất một bản Hiến pháp. Hiến pháp Hoa Kỳ được soạn thảo năm 1787, cách đây 224 năm (dù đã trải qua 27 lần tu chính) đến nay vẫn có hiệu lực pháp luật. Hay ngay cả một quốc gia rộng lớn, dân số đông, thành phần tôn giáo và sắc tộc phức tạp như Ấn Độ từ năm 1950 (3 năm sau ngày độc lập) đến nay duy chỉ có một bản Hiếp pháp (với nhiều lần tu chính Hiếp pháp). Còn Trung Quốc, một quốc gia cộng sản sát vách Việt Nam từ khi Mao Trạch Đông nắm quyền lãnh đạo toàn bộ Đại lục đã có bốn bản Hiến pháp thay nhau ra đời (năm 1954, 1975, 1978 và 1982), riêng Hiến pháp hiện hành (năm 1982) cũng đã nhiều lần được tu chính. Ở Việt Nam, bao lần Hiến pháp thay đổi, nhưng những bất cập và khiếm khuyết gốc rễ về chế độ chính trị, hình thức chính thể, sự phân chia quyền lực Nhà nước, quyền tư hữu đất đai… vẫn tồn tại.

Ở một quốc gia dân chủ, Hiếp pháp đạt trình độ lập pháp cao với thủ tục nghiêm ngặt, có nội dung hoàn chỉnh và thống nhất, nêu lên cơ sở pháp lý và chính trị mang tính nguyên tắc và cốt lõi. Dù trải qua thời gian dài nó vẫn giữ nguyên giá trị bất hủ; và chỉ cần sửa đổi, bổ sung một số vấn đề mới cho phù hợp với sự phát triển của lịch sử đất nước thì nó có thể có hiệu lực pháp luật vượt thời gian. Còn dưới các chế độ độc tài, Hiến pháp chỉ như một thứ đồ chơi, biến dạng tùy theo sở thích của tầng lớp lãnh đạo. Thực tế cho thấy, Hiến pháp thường hay bị thay đổi bởi các chế độ độc tài. Có hai trường hợp, một là những nhà độc tài lên nắm quyền nhờ một bản Hiến pháp dân chủ như Hitler chẳng hạn sẽ quay ngược lại thay đổi Hiến pháp đó bằng một bản Hiến pháp mới có lợi cho ông ta trong việc thâu tóm quyền lực. Hai là, những chính thể độc tài đang cai trị với bản Hiến pháp phi dân chủ do chính họ làm ra, cũng thường thay đổi nó theo từng thời kỳ để né tránh việc giải quyết những bức xúc trong nước.

Thật buồn cười khi một việc tốn nhiều thời gian, tâm sức chuyên gia và công quỹ quốc gia, chẳng mang lại sự thay đổi và hiệu quả cụ thể nào lại cứ được truyên truyền và liên tục thực hiện. Tiền thuế của dân đâu phải được nộp để các nhà lãnh đạo thỉnh thoảng mang Hiến pháp ra đổi Hiến pháp mới, hay sửa lại cho có công có việc mà làm!


2/ Ý chí của ai?

Nhiều người đã đóng góp ý kiến rằng nên xây dựng một bản Hiến pháp mang tính chất của một khế ước (khế ước trao quyền của người dân cho những người sẽ đại diện họ lãnh đạo quốc gia, đồng thời những người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước nhân dân khi không thực hiện được những điều mình cam kết). Mong ước có một Hiến pháp như một khế ước là mong ước chính đáng của người Việt Nam từ bao năm qua. Thế nhưng, điều kiện tiên quyết để Hiến pháp được coi là khế ước khi nó được lập nên và phê chuẩn bởi một Quốc hội đại diện cho nhân dân (do nhân dân bầu lên một cách minh bạch và công bằng). Mỗi một đại biểu Quốc hội phải gánh vác trách nhiệm được dân giao phó, ý chí chính trị của họ chính là ý chí của nhóm người mà họ đại diện. Hiến pháp hay bất cứ đạo luật nào đều được tạo nên bởi Quốc hội thì trước tiên ta khẳng định nó thể hiện ý chí của Quốc hội. Nếu Quốc hội thực sự đại diện cho nhân dân thì bản Hiến pháp ấy cũng thể hiện ý chí người dân. Và như cái cách mà tôi luôn đề cao, mọi thứ đều mang cái bản chất và ý chí của những nhân tố tạo ra nó. Một bản Hiến pháp do những người đại diện cho Đảng tạo ra thì nội dung của nó chỉ thể hiện ý chí của Đảng. Vậy làm sao ta có được một khế ước (hợp đồng) công bằng khi những người lãnh đạo cứ tự biên tự diễn, người dân chỉ việc ký và thực hiện? Đó là vấn đề về thủ tục.

Tiếp đến là vấn đề nội dung. Người dân và các chuyên gia được tham gia vào những nội dung sửa đổi này ở mức độ nào?! Hay đó chỉ là sự “tiếp nhận cởi mở” các ý kiến đóng góp, để rồi cuối cùng đâu lại vào đó, nội dung sửa đổi chỉ là những văn bản đặt trên bàn làm việc Trung ương Đảng; Quốc hội chỉ việc nhắm mắt thông qua, còn người dân chẳng mảy may biết gì. Đó là chưa kể đến một cuộc trung cầu dân ý là không thể thiếu cho một tu chính án Hiến pháp. Cứ giả định rằng, những đại biểu Quốc hội “Đảng cử dân bầu” này dù không có trưng cầu dân ý, dù không tham khảo ý kiến chuyên gia vẫn đưa ra được những nội dung sửa đổi cực kỳ tiến bộ, hợp lòng dân, thể hiện ý chí người dân. Thì có gì đảm bảo được rằng Hiến pháp sửa đổi này sẽ được tôn trọng? Chúng ta đều biết rằng một bản hiến pháp cực kỳ tiến bộ cũng chỉ là một cái “hàng rào giấy”. Có ai ngăn cản được nhà cầm quyền vi phạm nó? Riêng cái đuôi “theo quy định của pháp luật” cũng đã mở ra một con đường thênh thang cho sự ra đời của các đạo luật vi hiến. Người ta cố tình làm cho Hiến pháp phụ thuộc vào luật chứ không phải ngược lại. Khi làm luật, hoặc ra các nghị định, sắc lệnh, người ta sẽ quăng Đạo luật cao nhất này vào một xó. Để bảo vệ Hiến pháp, nhiều người nghĩ đến một Tòa bảo hiến. Nhưng khi chưa có tam quyền phân lập thì Tòa bảo hiến cũng bằng thừa. Và khi chưa có xã hội dân sự và đa đảng thì tam quyền phân lập cũng chỉ là trên danh nghĩa. Có đa đảng và xã hội dân sự mạnh mẽ, thẩm phán sẽ không dính dáng gì đến Đảng phái, chỉ làm việc theo lương thức và dưới sự giám sát của người dân. Còn khi chỉ có một Đảng cầm quyền và xã hội dân sự hầu như không có thì dù có tam quyền phân lập chăng nữa, tất cả thẩm phán kể cả thẩm phán Tòa bảo hiến (cũng như các quan chức hành pháp và tư pháp) sẽ thống nhất làm việc theo lệnh Đảng và không cần để ý đến phán xét của dân. Một ví dụ gần đây nhất là : bất chấp sự tồn tại của điều 69 Hiến pháp, chính quyền Hà Nội đã ra một thông báo cấm người dân biểu tình chống Trung Quốc. Đến nỗi dù nó không có chữ ký thì vẫn có hiệu lực pháp luật, bằng chứng rõ ràng là nhiều người đã bị bắt vì biểu tình, và cuối cùng chính quyền Hà Nội đã tạm dẹp yên các cuộc biểu tình yêu nước. Ở cái xứ sở này, một bản thông báo không chữ ký có giá trị hơn Hiến pháp!

Người ta tốn nhiều tâm sức và giấy mực để đóng góp nội dung này nội dung kia vào dự thảo Hiến pháp. Chưa nói đến việc Đảng có thực lòng ghi nhận ý kiến đóng góp hay không, thiết nghĩ chữa bệnh phải chữa từ gốc rễ. Cũng như vậy, những tiến bộ phải phát triển từ căn cơ thì mới thực chất và bền vững, chứ không phải cứ úp cái Hiến pháp tiến bộ lên nền chính trị thì dân sẽ bớt khổ, nước sẽ bớt loạn. Mặc dù một Hiến pháp tiến bộ sẽ là cơ sở pháp lý cho những vận động dân chủ tiệm tiến, nhưng đó là cả một quá trình lâu dài nếu chưa kể việc này phụ thuộc rất nhiều vào mối tương quan về thế và lực giữa nhà cầm quyền và người dân. Khi viết những dòng cuối bài này tôi đang nghĩ đến một câu ông bà mình thường nói: “cậy người chi bằng cậy mình”!

Huỳnh Thục Vy

Tam Kỳ ngày 7 tháng 9 năm 2011

0 nhận xét:

Đăng nhận xét