Cái người dân cần là sự liêm khiết thật sự của cán bộ. Tình trạng hành xử vô lối, lạm dụng chức quyền sẽ vẫn còn đất sống nếu không có chế tài giám sát cả về chuẩn mực đạo đức cũng như thu nhập cá nhân.
Quan chức hành xử “lố” hơn thường dân
Đây không thể là hành xử của người cán bộ Nhà nước!
Một cô gái trẻ chết đuối sau bữa nhậu trên phà cùng vài vị cán bộ huyện. Mà chẳng phải cán bộ “quèn” đâu nhé, họ là những người ít nhiều “đứng” trên nhiều người lắm, chẳng gì thì cũng là Viện trưởng và Viện phó VKSND huyện, những người mà chỉ nghe đến chức danh thôi cũng khiến không ít kẻ nể sợ. Vụ một cô tiếp viên quán nhậu chết đuối được coi như một tai nạn không may. Theo kết quả điều tra, Viện trưởng và Viện phó VKSND huyện ấy chỉ đi chơi chung với nhóm người đó và không ai lôi kéo cô này "tắm sông" dẫn đến hậu quả trên.
Giải trí là nhu cầu thiết yếu của mỗi người, kể cả những vị cán bộ huyện kia. Nhưng giải trí bằng trò tắm sông cùng các tiếp viên quán nhậu là một sự lố bịch. Việc giải trí không lành mạnh ấy, không chỉ làm dấy lên những dư luận xấu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của cơ quan Nhà nước, đến hình ảnh người cán bộ trong lòng nhân dân.
Một ông Phó phòng Tư pháp huyện lái xe trong tình trạng “hơi men bốc lên ngùn ngụt". Khi cảnh sát giao thông yêu cầu đo nồng độ cồn, chẳng những không chấp hành mà còn lao vào túm áo, giật đứt cầu vai của thiếu úy công an đang làm nhiệm vụ. Vị phó phòng còn bị cáo buộc đã giật lấy súng của cảnh sát nhưng hành vi này bị ngăn chặn kịp thời.
Thường ngày, trên các cung đường, mồ hôi và thậm chí là nước mắt của các chiến sỹ cảnh sát giao thông vẫn đổ, để giữ bình yên cho cuộc sống người dân. Thường ngày, lớp lớp giới trẻ vẫn được bậc cha chú, anh chị dạy dỗ về luật giao thông. Nhưng lối hành xử không khác côn đồ của một vị Phó phòng Tư pháp huyện ấy như một tác động ngược đến những thành quả mà cả xã hội dầy công gây dựng.
Một điều dễ nhận thấy ở những “trò lố” này là “diễn viên chính” thường là các quan huyện, chứ không phải quan chức ở những cấp cao hơn. Điều này đặc biệt nguy hiểm bởi những cán bộ cơ sở ấy trong các hoạt động nghề nghiệp của mình, thường xuyên tiếp xúc với dân. Việc hành xử không chuẩn mực của những vị cán bộ này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của người cán bộ chân chính.
Lạm quyền tư lợi
Một sự lạm quyền! |
Những ngày gần đây, dư luận lại được một phen “tròn mắt” bởi chiêu in đầy đủ, họ tên của cha trên thiệp mời cưới con. Trang trọng, uy nghiêm lắm bởi đó là một vị Phó ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng một thành phố lớn. Những nghi vấn, những phán đoán “mờ ám” đằng sau cái tên và chức danh ấy đều sai hết, theo như nhân vật “cỡ bự” này giải thích, đó chỉ đơn giản là: “Do có nhiều người cùng tên nên mấy đứa em nó gợi ý, sợ lẫn lộn giữa người này với người nọ (!)”. Chỉ vậy thôi chứ dư luận đừng xôn xao mà gán cho ông cái “tội” dùng cách đó để thị uy mọi người, đừng khiến ông phải mang “nỗi oan thị Kính”.?
Ông Nguyễn Hùng D có thể nói như vậy. Rõ ràng, dù cách in thiệp mời như thế là không ổn nhưng qua vụ việc, dự luận có thể rút ra được nhiều điều sâu sắc. Tại sao thấy chức danh Phó ban Phòng, chống tham nhũng thì sợ mà phải đi? Nếu không có tật sao phải giật mình?
Chẳng thế mà đám cưới của con trai ông được tổ chức vào ngay ngày thứ Hai đầu tuần, tại một nhà hàng sang trọng. Và dù ngay ngày đầu tuần, nhưng hàng trăm ô tô, mô tô sang trọng… vẫn nườm nượp đến dự tiệc. Khách đến dự ngồi kín cả sảnh 1 sức chứa tối đa 90 bàn.
Chính phủ đã có quy chế về tổ chức việc cưới, việc tang văn minh, tiết kiệm đối với cán bộ, công chức. Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là lãnh đạo, phải làm gương cho dân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực thi nếp sống liêm khiết. "Ghi chức danh trên thiệp cưới là lời nhắc nhở, khiến người nhận phải hiểu rằng việc đến dự không những là bắt buộc mà phong bì mừng cũng phải tương đối khá", ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội đã từng chia sẻ. Rõ ràng, hành động lố bịch của vị quan chức kia không nằm ngoài mục đích trục lợi. Đặt giả thuyết, nếu không phải là người có chức quyền, nếu chỉ là một cán bộ làm công ăn lương trong cơ quan Nhà nước, chắc hẳn dịp cưới cậu con trai, vị cán bộ ấy cũng chả tốn công in thêm dòng chữ ghi tên và chức danh lên tấm thiếp mời đâu.
Cái người dân cần là sự liêm khiết thật sự của đội ngũ cán bộ chứ không phải những lời hô hào sáo rỗng. Rõ ràng, nếu không chế tài giám sát thu nhập và chuẩn mực đạo đức thì dù có phê bình, kiểm điểm đến ngàn lần thì tình trạng kiếm chác, tạo cớ ăn hối lộ và đưa hối lộ vẫn còn đất sống.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét