Những Ngày Cùm Biệt Giam


Đỗ Văn Phúc
Khi nghe tiếng khoá lách cách bên ngoài, tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Dù sắp phải đối phó với những màn ép cung mà một lời nói sơ suất có thể mang lại những hậu quả phiền toái; hoặc có thể xảy ra màn tra tấn đánh đập như từng xảy ra khi chúng tôi bị gán tội sách động đòi yêu sách hồi còn ở trại K5 Suối Máu. Tuy nhiên, công tâm mà nói, ở Xuân Phước hơn sáu năm, anh em tù nhân có thể bị khủng bố nghiêm trọng về tinh thần, nhưng cảnh tra tấn thì không dã man bằng ở trại Kà Tum, hay các trại miền đồng bằng Cửu Long, nơi bọn du kích, địa phương Việt Cộng quản lý trong những năm đầu. Chúng tôi vẫn coi thường những màn hỏi cung của bọn công an vì trình độ học thức, lý luận chúng rất kém cỏi.
Vấn đề là phải làm sao để không hớ hênh khai báo gì mà có thể liên lụy cho các bạn mình hay để chúng chụp thêm tội. Dù có nhận tội hay không thì thời gian bị cùm cũng chẳng thay đổi gì. Đơn giản là nếu không nhận tội, thì chúng cho là ngoan cố; mà có nhận đại cho xong, thì chúng nó đoán sẽ còn nhiều điều cần truy cứu thêm. Nên trong cả hai trường hợp, chúng sẽ biệt giam cho đến khi nào gần quỵ gục thì mới thả ra.

Vì gần cuối năm, khí hậu tương đối dễ chịu. Nếu ở một hoàn cảnh nào khác, thì đó sẽ là một ngày đẹp trời, êm ả. Ánh nắng mai dịu dàng và khoảng trời xanh trong. Anh em tù nhân đã xuất trại lao động. Chỉ có hai ba đội đang làm cỏ chung quanh hội trường. Đó là các đội tù nhân thuộc phân trại A (hai trại A và E liền nhau, không có hàng rào ngăn cách, chung nhau một hội trường). Các anh em đó là những người ra đi trên tàu Việt Nam Thương Tín hồi cuối tháng 4 năm 75, và đã bị bọn Việt gian scáh động đòi trở về nước sau khi đến được đảo Guam. Họ được đón tiếp trọng thể tại bờ biển Nha Trang. Có vòng hoa choàng cổ, có diễn văn chào mừng như đối với những người con yêu trở về với dân tộc. Nhưng ngay sau đó, từng đoàn xe buýt đưa thẳng họ vào Xuân Phước, lột sách tư trang và đưa vào đây để họ trở thành những người tiền phong xây dựng những lán trại mà bây giờ là trại A-20 khét tiếng. Những người này vừa dân sự, vừa công chức, quân nhân các cấp, bị giữ từ 3 cho đến hơn 10 năm tùy theo lý lịch trước 1975. Tuy nhiên, họ được quy chế rộng rãi hơn đám tù cải tạo chúng tôi. Họ làm các công việc tương đối nhẹ nhàng, ít bị quản chế.

Hội trường cũng khá rộng. Trừ mặt sau bít kín, ba mặt kia đều có nhiều cửa sổ thông thoáng. Có hai chiếc bàn kê trên sân khấu. Tôi ngồi đối diện với tên cán bộ Luật ở bàn bên trái. Một cán bộ “giáo dục” ngồi bàn bên phải đang chăm chú đọc hồ sơ mà tôi đoán là của chính tôi. Bên ngoài anh em Việt Nam Thương Tín cũng vừa làm việc vừa lén theo dõi chúng tôi.

Bắt đầu thông thường là các câu hỏi: tên họ, cấp bậc, chức vụ và tội danh.

Thời gian đầu mới vào trại, bọn Cộng Sản ép chúng tôi phải nhận là Ngụy quân, ngụy quyền. Nhiều anh em né tránh những danh từ điếm nhục mà kẻ thù cố gán và khai mình là “Sĩ quan chế độ cũ”. Sau này, bọn cán bộ mặc nhiên chấp nhận tội danh SQCĐC này.

Hôm nay, thì từ một động lực tiềm ần nào đó, tôi đột nhiên nổi cơn ương nghạnh:

- Tôi không can tội gì cả!

Tên Luật sửng sờ, buông bút gằn giọng:

- Anh nói không can tội, thì sao chúng tôi phải giữ anh ở đây?

- Đúng, tôi không can tội gì.

- Anh cầm súng Mỹ chống lại cách mạng và nhân dân. Đảng và Nhà nước đã khoan dung tha tội chết, cho anh học tập cải tạo để thành người lương thiện mà anh lại chối à?

Tôi cười khẩy:

- Đối với tổ quốc và nhân dân, tôi không có tội gì cả. Năm 1975, chúng tôi lầm về các anh nên mới đi trình diện cải tạo. Nhưng đã 5 năm nay, chúng tôi nhận thức rằng các anh từ miền Bắc vào xâm chiếm miền Nam chỉ đem lại cơ hàn, đói khổ, áp bức cho đồng bào. Vì vậy, nếu chúng tôi chiến đầu, là chiến đấu cho chính nghĩa.

Luật ghi nguyên văn câu nói của tôi vào biên bản rồi chuyển qua cán bộ giáo dục (Tôi quên mất tên. Nhưng anh cán bộ này hoá ra là một người tốt, sau này đã giúp một anh trốn trại. Việc bị bể, cán bộ này lãnh án 5 năm ở trại tù tỉnh Phú Khánh). Đối thoại với cán bộ giáo dục cũng nhẹ nhàng, tôi vẫn giữ nguyên luận điệu. Vì thế, cuối cùng tôi được đối diện với viên trưởng trại Lê Đồng Vũ. (Muốn biết thêm về tên Lê Đồng Vũ, xin đọc bài Trại Xuân Phước A-20 trong trang web: www.michaelpdo.com/chuyentu.htm; hoặc đọc Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp)

Với cặp mắt lừ đừ, gian ác trên khuôn mặt bèn bẹt của mộ thổ dân bán khai miền núi, Vũ nhìn tôi và bắt bẻ thế ngồi bắt chân chữ ngũ của tôi:

- Anh ngồi lại nghiêm túc.

- Nghiêm túc là thế nào? Năm nay ông mới là Thượng uý. Năm năm trước đây tôi đã là một Đại uý. Ngồi thế này là lịch sự lắm rồi.

Biết đụng đầu với một anh liều mạng, cứng đầu cứng cổ, Vũ bắt đầu lải nhải những luận điệu cũ rích về chính sách “khoan hồng độ lượng”, về cuộc chiến “chống Mỹ anh hùng.” Tôi ngồi nghe một cách lơ đảng và vẫn giữ một câu trả lời mỗi khi Vũ hỏi tôi về tội danh.

Sau cùng, không còn kiên nhẫn, Vũ đứng dậy và gầm lên:

- Chống Cộng là chính nghĩa!, Hừm, tao cho mày chết rỉ cùm trong nhà kỷ luật.

Không biết trời xui đất khiến gì mà tôi cũng đâm ra liều lĩnh. Tôi rán khạc một bãi đàm, nhổ toẹt ngay trước mặt Vũ.

Anh cán bộ giáo dục thấy tình hình quá nguy hiểm, đã kéo tay tôi lôi đi:

- Anh Phúc, bớt nóng, bớt nóng. Đi, đi mau. Mai mốt ra làm việc với tôi.

Anh em tù Việt Nam Thương Tín quanh đó hầu như ngưng tất cả công việc để theo dõi từng diễn tiến. Vì thế khi cán bộ giáo dục dẫn tôi đi qua, nhiều anh đã lén đưa ngón tay cái biểu lộ sự tán đồng.

Sau này, mãi cho đến khi chúng tôi bị di chuyển vào phân trại B, tên Lê Đồng Vũ thường né tránh mỗi khi vào trại mà chạm mặt với tôi. Trong khi tôi cứ xấn tới, thì Vũ tìm lối khác để đi. Với quyền uy tuyệt đối của môt trưởng trại, chúngmuốn hành hạ gì người tù mà chẳng được. Nhưng rõ ràng là Lê Đồng Vũ e sợ bị làm nhục mất uy tìn trước các tù nhân trong trại. Theo nội quy trại, tù nhân khi gặp cán bộ trại tù phải dỡ nón, đứng cách 6 bước và hô “chào cán bộ”. Cũng theo 30 điều nội quy, tù nhân phải dỡ nón mỗi khi đi qua cổng trại. Sau này ở phân trại B, có một anh đội trưởng là ĐPL, người Huế, cựu Tiểu đoàn trưởng thuộc một sư đoàn BB ở vùng 2, còn đặt thêm lệ bắt chúng tôi phải đi qua cho hết hàng dừa bên ngoài cổng trại (cũng khoảng 50 mét nữa) mới được đội nón. Chúng tôi đắt cho anh này xú danh là ông Ba Mươi; vì nhiều lần anh ta tuyên bố rất xanh rờn: ”Khi không có cán bộ thì có tôi.” (ý muốn cho rằng mình cũng uy quyền như cán bộ. Khiếp! Về anh này, còn nhiều chuyện vui lắm. Nhưng để có dịp chúng ta sẽ biết thêm về anh này sau). Để tránh phải chào bọn cán, anh em chúng tôi có quy ước với nhau là không đội nón, cho dù mưa to gió lớn hay nắng lửa nứt da đầu. Không cần thiết thì không nên xáp lại gần bọn cán. Lấy đủ cớ như đau mắt, nắng chói không nhìn rõ để biện minh cho việc không chào cán bộ. Sáu năm sau, vào năm 1985, khi tôi làm thủ tục ra tù ở ban chỉ huy trại, một tên cán bộ an ninh đã cúi nhìn tận mặt tôi và lắc đầu:

- Anh này là … đây. Anh mà cũng được tha thì cũng lạ! Cán bộ Trưởng trại uy quyền tối cao mà anh còn làm nhục thì hết nước nói.

Tôi được đưa trở lại nhà kỷ luật. Trên đường đi, tôi cũng tự trách mình đã quá nông nỗi để có thể bị họa lớn. Nhưng rồi cũng tự an ủi vì đã bao lần, tôi đều chịu đựng và vượt qua.

Vì sắp đến giờ phát bữa ăn trưa, là bữa ăn duy nhất trong ngày của tù biệt giam, anh cán bộ này đã ra lệnh cho nhà bếp dọn cho tôi ngay phòng quản lý bếp. Do các anh nhà bếp - cũng là anh em quân nhân - đã chiếu cố đến một người bạn đồng cảnh xấu số, tôi được ăn khá hơn cả phần người tù thường. Khi vào phòng giam, lợi dụng sự dể dãi của anh cán bộ giáo dục, tôi yêu cầu anh ta lấy cho tôi một chiếc cùm lớn hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn không được thêm thứ gì khác. Lại một đêm lạnh lẻo và nhức nhối cùng mối lo chờ đợi sự trả thù của tên trưởng trại, mà chắc là rất thâm độc.


Những Ngày Dài Trong Biệt Giam


Mấy ngày sau khi tôi bị cùm, trại kiếm đủ cớ để đưa vào biệt giam thêm khoảng chục anh. Chẳng bao lâu sau đó, các phòng biệt giam chật ních người. Vì sắp đến lễ Giáng sinh, chúng lựa những người có thành tích đấu tranh cho vào giam trước đề phòng chuyện không hay xảy ra. Thế là chúng tôi, 4 người nằm một phòng, hai người trên một bệ chia nhau thanh sắt cùm. Chúng tôi bắt đầu gửi tín hiệu thăm hỏi nhau và tôi được biết bên ngoài cũng đang vô cùng căng thẳng. Nhất cử nhất động đều có ăng ten theo dõi và báo cáo. Vì thế các anh khuyên tôi nên ứng xử thật khéo léo để tránh bị gán thêm tội.

Mỗi ngày trong xà lim, chúng cho ăn một lần vào khoảng xế trưa. Mỗi bữa ăn là hai lát khoai mì chan ngập trong nước muối thật mặn và chừng hai muỗng nước uống. Cơn khát hành hạ chúng tôi đến điên người. Ðói, khát, lạnh (vì đang là mùa đông) làm cho tôi kiệt sức rất nhanh. Chiếc cùm quá chật làm rách thịt ở nhượng chân, làm độc; tôi dùng nước muối thoa lên hàng ngày. Lâu dần, chân teo lại, có thể xoay sở được. Các anh nằm bên các xà lim cạnh bày ra ca hát, đọc thơ cho lên tinh thần. Cũng có lúc tôi nhận được tiếp tế do những anh gan lì nhất nhảy hàng rào biệt giam chuồi vào khe cửa những miếng đường tán, chút thuốc lào. Ðây là công lao của Phạm Tuế, khoá đàn em của tôi và các bạn trẻ Tú Cường, Ðức Nhì.... còn may mắn chưa bị “tó”. Chúng tôi giải quyết cơn khát bằng cách khi một người bị kêu ra làm việc, cố gắng uống thật nhiều nước và nhúng ướt áo quần, để khi về phòng vắt ra cho anh em khác uống. Có khi chúng tôi phải uống nước tiểu, nhưng tình trạng thiếu nước làm cho nước tiểu cũng quánh lại và gắt vô cùng, tưởng như uống máu của chính mình.

Cơn lạnh của vùng núi rừng miền trung thật khủng khiếp. Sàn xi măng thì ẩm, trên người chẳng có gì che. Suốt ngày đêm chỉ gắng ngồi thu người, ôm gối run cằm cặp. Tôi kiệt đến mức xuất tinh và tiểu tiện mà không kiểm soát được, cũng không cảm giác được. Hình như ai ở xà lim lâu ngày cũng có thể trở thành nhà triết học. Nằm buồn, khó ngủ, thời gian thì như dừng lại. Tâm trí bắt đầu làm việc. Trước hết là ôn chuyện quá khứ, bạn bè, yêu đương; những kỷ niệm vui buồn đời lính, những ngày tháng gian khổ hiểm nguy nhưng hào hùng. Hết chuyện để suy nghĩ, tôi bắt đầu nhìn chòng chọc vào vách tường, cố hình dung ra những hình ảnh kỳ ảo như khi ta nhìn đám mây vân cẩu. Một con thằn lằn bò chậm chậm bò ra, chạy đuổi bắt những chú muỗi no máu. Thế là thằn lằn trở thành bạn đường để tôi trao gửi tâm sự. Trời ơi, ước chi có tập giấy và cây bút để tôi ghi lại cả trăm ngàn trang tư tưởng. Có lúc quay về nghĩ đến đấng tối cao, lúc thì cầu nguyện, lúc thì than trách. Tôi nhớ cựu đại tá Trung hoa Quốc dân đảng Lý Thành Cầu (năm đó đã gần 80) dạy tôi một câu: “ Na ở chuy, wò mẵn sơ kuo cha rẩn.” (dù bất cứ đâu, ta cũng là một người quốc gia), hoặc “Thien cung mỉ dậu dằn xinh, cầy tha mẫn sẳng cung ma.” (Trời không có mắt để cho chúng nó thành công sao?). Chúa trời ôi, nếu đây là con roi điện để Chúa trừng phạt dân Nam, thì hoá ra bọn Cộng sản này là tay sai của Chúa sao? Cũng có lúc nghĩ rằng Chúa thử thách chúng ta, và ngày mai đây sẽ đền bù xứng đáng cho những ai vượt cơn khổ ải. Tôi đã làm được hai câu thơ, nhặt cây đinh khắc lên vách nhà giam:


Ðời có gian lao mới rạng danh hào kiệt,

Tù không đày đọa sao rõ mặt anh hùng


Sau cùng, gần đến ngày tết, chúng lần lượt thả chúng tôi ra. Lại nói chuyện “khoan hồng cho ra ăn tết, phải thực tâm cải tạo tốt để được sớm tha về.” Tôi vịn hàng rào, lê bộ xương khô từng bước về phòng giam, và thấy quang cảnh hoàn toàn khác lạ. Bước qua khung cửa phòng, thấy một sự im lặng đáng sợ. Khác với trước đây, mỗi lần có người ra khỏi xà lim là anh em kéo đến. săn sóc, kẻ điếu thuốc, nguời viên đường; Lần này chỉ thấy những đôi mắt lén lút trao gửi chút ái ngại, thương cảm. Tôi nhìn thấy một nhúm thuốc lào của ai đó để dưới tấm chăn. Ðến chiều, khi anh em từ lao động về đông đủ, không có cảnh ồn ào như trước kia, mà ai nấy lặng lẽ về chỗ mình, lãnh phần ăn, buông màn nằm im thít. Tôi được chuyển qua đội tù chính trị và được thu xếp chỗ nằm bên người đội trưởng Trần Phương, bên trái là Nguyễn Văn Chẩm, tổ trưởng. Hai người này là thành phần tù gọi là chính trị nhưng thuộc loại được trại tin dùng. Thế là chim bị tách đàn, trói buộc trong cái lồng vô hình nhưng rất chặt chẽ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét