Tâm Việt
Hôm 11 tháng 9 vừa qua, có lẽ để lợi dụng kỷ niệm vụ bọn khủng bố quốc tế đánh sập hai toà nhà Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York và một phần Ngũ Giác Đài ở Washington, nhà xuất bản Random House ở New York đã chọn tung ra bản dịch Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, cuốn nhật ký chiến tranh của một bác sĩ trẻ miền Bắc được đưa vào Nam để cầm đầu một nhà thương ̣“dân sự” (nhưng lại trị toàn thương bệnh binh VC) ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, và để chết ở đó theo đúng câu “sinh Bắc tử Nam” nổi tiếng trong chiến tranh xâm lược của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Bản dịch, Last Night I Dreamed of Peace: The Diary of Dang Thuy Tram, do Andrew X. Pham (có thể nói là dịch chung với ba anh, ông Phạm Văn Thông), là một bản dịch khá lưu loát tuy cũng còn đôi điều ta có thể không đồng ý. Andrew Pham, như ta biết, là tác giả của một cuốn tiểu thuyết tự sự viết bằng tiếng Anh khá nổi tiếng, Catfish and the Mandala (“Cá tra và Mạn-đà-la”), in ra vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, đã được trao hai giải văn học, Kiriyama Pacific Rim Prize và Whiting Writers’ Award. Như vậy, ta có thể tin tưởng được ở tiếng Anh vững vàng và đôi khi còn bay bướm của anh nữa.
Nhưng ngay từ đầu, ta phải nói là cuốn sách, do Hội Nhà Văn ở Hà-nội xuất bản vào năm 2005, đã là một sự gian lận. Không phải vì Đặng Thuỳ Trâm là một con người không đáng quý (con nhà tiểu tư sản, chị rất đáng yêu, được lòng mọi người trừ các cán bộ Đảng ganh tị với chị, và đã phải phấn đấu rất nhiều mới vượt được lên mọi thử thách để trở nên một người chiến sĩ kiên cường, dù chị đã tranh đấu cho một lý tưởng “bịp,” một lý tưởng “bánh vẽ,” nói như nhà thơ Chế Lan Viên trước khi ông chết). Cuốn sách như đã in ra và được dịch là một gian lận vì: có đoạn chống Mỹ thì bị cái kéo kiểm duyệt của Hà Nội cắt xén đi do bây giờ Hà Nội lại muốn hẩu với Mỹ nên có lẽ sợ mất lòng chăng, cả cuốn sách lại chỉ thấy nói đến Mỹ mà không thấy bóng dáng gì của quân lực VNCH ở chỗ nào... Nói tóm lại, cái nhìn của Đặng Thuỳ Trâm rất bị lệch lạc bởi khác với nhiều người như Dương Thu Hương, Bùi Minh Quốc, Chế Lan Viên, Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn, Bùi Tín v.v.: chị chết quá sớm để được nhìn thấy tận mắt sự thật về miền Nam và do đó, sự lừa bịp của bộ máy tuyên truyền Hà Nội.
Cuốn sách là một gian lận nữa vì viết tựa cho cuốn sách là Frances Fitzgerald, một người thiên tả kiểu Don Luce, tác giả cuốn Fire in the Lake (“Hồ Trung Hoả”), giải thưởng văn học Pulitzer khi sách ra đời cách đây cũng đã hơn 30 năm. Tuy được Pulitzer Prize và được dùng làm sách giáo khoa về VN trong đến gần một phần tư thế kỷ, cuốn sách của Fitzgerald cuối cùng cũng bị người ta nhìn ra là một cuốn sách “dổm” về nước chúng ta và chiến tranh VN, tóm lại một cuốn sách bịp bợm (từ Kinh Dịch cho đến các đoạn ca tụng cả hàm chông lẫn lựu đạn lô-canh của VC).
Nói cách khác, nếu uy tín của Frances Fitzgerald cũng đại loại như uy tín của Noam Chomsky, nghĩa là không còn bao nhiêu, thì hình như nhà xuất bản Random House vẫn chưa biết đến vận sự đó. Hoặc thế, hoặc Random House cố ý dùng một nhân vật phản chiến, một nhân vật ca tụng bọn khủng bố ở VN cách đây hơn 40 năm, cũng tựa như bọn Moveon.org mới đây đâm sau lưng Tướng Petraeus, tiếp tay cho kẻ thù (VC ở VN và bây giờ là Osama bin Laden ở Trung-Đông, Iraq và Afghanistan).
Nói thế này, tôi không có ý trách người dịch là anh Andrew Pham vì anh còn nhỏ quá để biết sự thật về Frances Fitzgerald, về chiến tranh VN, về Đảng CSVN đã bịp thế hệ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, tác giả của một cuốn nhật ký chiến tranh khác cũng nổi tiếng gần bằng, như thế nào. Nhưng dù tôi cảm mến văn tài của anh trong tiếng Anh, tôi vẫn thấy cần phải cảnh cáo anh cũng như các anh chị thuộc thế hệ của anh là nên cẩn thận khi làm bất cứ chuyện gì liên hệ đến người CS. Có quá nhiều chỗ trong sách của anh mà do thiếu hiểu biết về người CS, đảng CSVN, chiến tranh VN và bọn phản chiến Mỹ, làm cho anh bị sơ hở. Tôi chỉ xin nêu một hai trường hợp khá điển hình: trong suốt cuốn sách “quân khu” của VC được dịch là “area,” không đúng! Người CS bao giờ cũng gọi “quân khu” của họ là “zone” và “liên khu” là “Interzone.” Rồi cước chú nơi trang 131 cho rằng Khe Sanh là “thủ phủ của Quảng Trị” (“the capital of Quang Tri”) hay trang 28 cho rằng “chuồng cọp” ở Côn Đảo là nằm dưới đất, chưa đầy 1 thước cao và tường làm bằng đá (“underground spaces barely three feet high, the floors and walls of which were solid stone”) thì là bịa đặt hoàn toàn. Chính tôi, Tâm Việt, đã đến Côn Đảo, đứng trong “chuồng cọp” và chụp hình ở trong đó để cho ta có thể thấy được là: “chuồng cọp” ở trên mặt đất, cao ít nhất là 2 thước rưỡi, và không có tường đá nào cả. (Nếu cần, tôi có thể trưng hình cho anh Andrew Pham coi, hình chụp từ năm 1973. Ngay giờ này mà anh Andrew Pham có về Côn Đảo mà xem “chuồng cọp” thì VC cũng chưa chắc đã đủ thời giờ để đào “chuồng cọp” mới dưới mặt đất cho anh thấy. Tất cả là một trò bịp bợm, dùng máy ảnh để cho ta có ảo tưởng như thế, của tên Don Luce khi hắn muốn tố ẩu các “chuồng cọp” ở Côn Đảo trong báo Life hồi đó.)
Vì những lý do đó mà tôi rất mừng là thứ Bảy này, ngày 29/9, ở phòng 317 Trường Luật George Mason, 3401 N. Fairfax Drive, Arlington, VA, ở lầu hai, sẽ có một buổi ra mắt sách của nhà văn Quân đội Hải Triều Lê Khắc Anh Hào, để giới thiệu hai cuốn sách mới nhất của anh phơi bầy tất cả những cái bịp bợm của Hội Nhà Văn Hà Nội khi họ làm theo chỉ thị của Đảng CS cho in cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Cuốn Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn: Nhân đọc Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm của anh, cùng lúc có bản dịch tiếng Anh mang tên Blood and Tears on Truong Son Mountain’s Back: Reading the Diary of Dang Thuy Tram, sẽ được ra mắt vào lúc 2 giờ chiều thứ Bảy, và còn kèm theo cả một CD trình bầy một số nhạc đấu tranh của Nguyễn Văn Thành và Trần Quan Long.
Nói như Hải Triều rất đúng: “Đặng Thuỳ Trâm đã chết rồi, xin đừng cho cô chết một lần thứ hai.”
Tâm Việt
HẢI TRIỀU RA SÁCH PHẢN BÁC “NHẬT KÝ ĐẶNG THÙY TRÂM”
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét